Đằng sau mỗi viên kim cương bé nhỏ là một ''công trình'' phức tạp và kì công, trải dài xuyên lục địa và đào sâu vào bên trong những tầng bậc sâu thẳm của Trái Đất. Hãy cùng Trang Kim Luxury ''khai thác'' sự kết hợp hoàn hảo giữa khoa học và nghệ thuật, đó chính là quá trình đưa những viên kim cương lấp lánh từ lớp quặng kim cương thô ráp ra ánh sáng.
1. Chỉ quặng kim cương mới sinh ra kim cương?
Bên dưới bề mặt Trái Đất, tại những nơi sâu thẳm với áp suất và nhiệt độ mà con người không thể chạm tới, những quặng kim cương được hình thành. Đây là quặng khoáng duy nhất có khả năng sản xuất ra kim cương tự nhiên trên thế giới, phải trải qua hàng triệu, hàng tỷ năm trong những điều kiện ngẫu nhiên một cách hoàn hảo. Điều này đồng nghĩa với việc những viên kim cương trên tay bạn rất có thể có tuổi đời thậm chí ngang với tuổi của Trái Đất.
Để khai thác 1 carat kim cương (tương đương 0.2g), những người thợ phải đào 250 tấn đất đá, loại bỏ một khối lượng khổng lồ tạp chất, đá, khoáng, dị vật. Mỗi năm có khoảng 150 triệu carat kim cương thiên nhiên được khai thác, bằng gần 1/3 sản lượng kim cương nhân tạo trên thế giới. Chỉ khoảng 20% kim cương tự nhiên được ứng dụng vào làm trang sức, 80% kim cương không đạt chất lượng trở thành vật liệu cắt chuyên dụng trong các ngành công nghiệp, sản xuất.
Trung Phi và Nam Phi được biết đến là những quốc gia kim cương khi lưu trữ hơn một nửa trữ lượng kim cương trên thế giới. Tại một số đất nước khác cũng tồn tại những mỏ kim cương lớn như Canada, Ấn Độ, Nga, Úc, Brasil,.... Việc khai thác kim cương tác động đáng kể tới môi trường tự nhiên, thậm chí từng gây ra tranh chấp, xung đột giữa con người, dẫn đến những hệ lụy tiêu cực như khai khoáng bất hợp pháp, bóc lột sức lao động nghiêm trọng,.... Chính vì vậy, vào năm 2003, hơn 81 quốc gia, tổ chức phi chính phủ, tổ chức dân sự,... đã cùng tham gia vào ''Quy trình Kimberly'' (Kimberley Process Certification Scheme - KPCS) với mục tiêu loại bỏ ''kim cương máu'' và cung cấp 99.8% trữ lượng kim cương không xung đột trên toàn cầu.
2. Khai thác quặng kim cương trên thực tế
2.1. Khai thác lộ thiên
Khai thác lộ thiên là phương pháp phổ biến nhất trong ngành kim cương, được áp dụng khi có kim cương tồn tại gần bề mặt trái đất hoặc bị bao phủ bởi một lớp mỏng cát, sỏi. Để tiếp cận các ống Kimberlite - một dạng đá núi lửa có chứa kim cương, người ta sử dụng máy móc hạng nặng, máy xúc thuỷ lực,... để phá bỏ lớp đất đá phía trên. Ống Kimberlite với cấu trúc tầng thẳng đứng là nơi những quặng kim cương được vận chuyển đến khu vực máy nghiền quặng sơ cấp, bắt đầu quá trình chiết xuất kim cương.
2.2. Khai thác tại hầm mỏ
Khai thác kim cương trong hầm mỏ, hay còn gọi là khai thác dưới lòng đất, là hoạt động khai thác phức tạp và nguy hiểm nhất. Những đường hầm hình phễu được đào xuyên qua lớp vỏ trái đất, nơi những người thợ tiếp cận và cho nổ vỡ mạch quặng. Các mảnh vỡ rơi qua phễu xuống một đường hầm nằm ngang, sau đó được vận chuyển lên mặt đất để tiếp tục xử lý.
2.3. Khai thác phù sa
Đây là hình thức khai thác kim cương từ đất bồi tích, phù sa tạo nên bởi hàng triệu năm mưa gió làm xói mòn bề mặt Trái Đất. Kim cương lẫn trong bùn, sỏi, đất sét ở hạ lưu sông, suối được dồn lại bởi một bức tường lớn và được sàng lọc kĩ càng. Quá trình này không phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ thuật hiện đại như những hình thức khai thác khác nhưng cần rất nhiều nguồn lực, từng là nơi những người nô lệ châu Phi bị buôn bán và bóc lột bất hợp pháp.
2.4. Khai thác dưới đáy biển
Bao gồm phương pháp khai thác ngang và khai thác dọc. Với phương pháp thứ nhất, thợ lặn dùng dụng cụ dò tìm thềm đại dương, đưa kim cương lên mặt nước. Trong phương pháp còn lại, các con tàu chuyên dụng gắn máy khoan, phễu hút cỡ lớn đưa cát, sỏi được dự đoán là có kim cương lên. Đế chế Kim Cương De Beers thành công rực rỡ với phương thức khai thác này, tự phát triển công nghệ thu gom quặng kim cương riêng, chiếm 40% sản lượng kim cương toàn thế giới.
3. Quặng kim cương: Từ bàn tay của khoa học…
Sau những bước trên là quá trình xử lý quặng kim cương thô kéo dài hàng tháng trời, bao gồm 5 công đoạn chính:
- Nghiền nhỏ, tán nát: Những quặng kim cương lớn được nghiền thành nhiều mảnh nhỏ kích thước không quá 150mm để tạo thuận lợi cho công đoạn xử lý và làm sạch.
- Làm sạch: Quặng kim cương có kích thước lớn hơn 1.5mm được cọ rửa kĩ càng để loại bỏ dị vật và tạp chất bám xung quanh. Những quặng có kích thước quá nhỏ sẽ bị bỏ đi do thời gian và chi phí để phân tách khá tốn kém.
- Phân tách: Hỗn hợp gồm bột Ferrosilicon và nước trộn theo tỷ trọng cụ thể được hoà cùng quặng chứa kim cương. Một phễu phân tách ly tâm làm lắng các vật liệu có trọng lượng riêng nặng xuống đáy phễu, để lộ ra lớp kim cương thô đã bớt lẫn tạp chất.
- Sàng lọc: Thành phẩm tiếp tục được phân loại với nhiều hình thức khác nhau như tia X-ray, tia Laser, kiểm tra tính nhạy từ,.... Sau khi được lọc khỏi phễu phân tích, kim cương thô được kiểm định bằng máy cảm biến chuyên biệt, nhằm phát hiện những vị trí phát ra ánh sáng, báo hiệu cho một viên kim cương đang ẩn nấp bên trong.
- Đóng gói: Cuối cùng, kim cương được được làm sạch bằng dung dịch Acid, rửa sạch và cân trọng lượng kĩ càng. Kim cương bây giờ đã sẵn sàng để được vận chuyển, phân phối với thông số và tem chống giả mạo theo Quy định Kimberly.
4. … tới nghệ thuật tạo tác
Đây là bước hoàn thiện quan trọng, thổi hồn giá trị cho những viên kim cương đã được nâng niu và lựa chọn cẩn kĩ. Quá trình cắt gọt, đánh bóng, tạo hình gồm 5 bước, đòi hỏi những đôi tay thiện nghệ và một tinh thần trân trọng cái đẹp, một tư duy duy mỹ tiêu chuẩn cao:
- Phân tích: Các chuyên gia lành nghề bắt đầu tiến hành nhận định, khảo sát kĩ lưỡng viên kim cương để đưa ra phương án cắt phù hợp nhất, nhằm tối ưu khả năng tán sắc và vẻ ngoài lấp lánh diệu kỳ. Việc đảm bảo trọng lượng tối đa mà vẫn cân đối được những mặt cắt đẹp nhất là thành quả của những bộ óc sáng tạo, khám phá và kiến thức am hiểu kim cương sâu sắc, chuyên nghiệp.
- Khắc tạo hình: Sau khi kết luận được phương án cắt hoàn thiện nhất, viên kim cương được khắc tạo hình ban đầu bằng công nghệ Laser 3D. Công đoạn này đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối để cho ra đời viên kim cương hoàn hảo, đẹp mắt.
- Cắt mài: Kim cương tự nhiên sở hữu độ cứng tối đa 10/10 theo thang đo độ cứng Mohs, là vật liệu cứng nhất hành tinh, một số loại kim cương đặc biệt có tính xốp còn có khả năng bị vỡ nếu không được cắt mài cẩn thận. Để những viên kim cương đã qua chọn lọc kĩ càng không bị làm hỏng ở bước này, máy móc chuyên dụng có chứa hỗn hợp dầu và kim cương bột với độ chính xác cao được sử dụng, tốc độ quay lên tới 3000 vòng/giây.
- Tạo mặt cắt: Đây có lẽ là bước quan trọng nhất, mang lại cho kim cương vẻ đẹp tinh tế và độc đáo. Các chuyên gia tính toán và sắp xếp vị trí các mặt cắt, góc nghiêng, độ đối xứng theo tỉ lệ vi tế, phù hợp với những mục đích thẩm mỹ khác nhau. Kim cương dáng tròn phổ biến có 57 mặt cắt, trong khi đó loại kim cương Lucky Star đặc biệt sở hữu nhiều giác cắt nhất thế giới có tới 105 mặt cắt hoàn hảo.
- Đánh bóng: Bước tạo tác cuối cùng, hoàn thiện vẻ ngoài long lanh, rực rỡ của kim cương tự nhiên. Các mặt cắt được đánh bóng kĩ lưỡng, đảm bảo độ tán xạ, ánh lửa, khả năng khúc xạ bên trong và bên ngoài của viên kim cương khi có ánh sáng chiếu vào. Đây cũng là tiêu chí quan trọng khi kiểm định chất lượng và phân định giá trị kim cương.
Quá trình đưa những viên kim cương hoàn hảo từ quặng kim cương thô đến với người tiêu dùng là một ''công trình'' khoa học và nghệ thuật tinh xảo, kỳ công. Chỉ những viên kim cương xứng đáng nhất, được chọn lọc bằng tay kĩ càng mới có thể phô diễn hết vẻ đẹp và giá trị của loại đá quý hiếm này. Tự hào khẳng định vị thế trên thị trường với những bộ sưu tập kim cương tuyệt mỹ, đầy đủ chứng nhận GIA quốc tế, Trang Kim Luxury tự hào trao gửi sứ mệnh: Kim cương thật - Giá trị thật!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét